Nhà thực dưỡng Lương Trùng Hưng đọc rất nhiều sách thực dưỡng và giao du rất rộng với giới thực dưỡng phương Tây. Chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông để bạn đọc có cái nhìn rộng mở hơn về nghệ thuật thực dưỡng Ohsawa.

 

Không “đùa” với “con dao số 7”

– PV: Phần lớn người Việt khi nói về thực dưỡng đều nghĩ ngay đến “gạo lứt muối mè”. Ý nghĩ như thế có lợi và hại thế nào, thưa ông?

– NTD Lương Trùng Hưng: Nghĩ như thế rất sai lầm nên rất tai hại vì sẽ làm cho phong trào thực dưỡng điêu đứng. Vì khi nghĩ như thế thì họ sẽ ăn gạo lứt muối mè hoài thì dẫn đến suy kiệt nên sau đó không chỉ bỏ gạo lứt muối mè mà cò bỏ luôn thực dưỡng; đồng thời những người chưa ăn thực dưỡng thấy vậy e ngại.

– Thưa ông, trong thực dưỡng, “số 7” có vai trò như thế nào?

– Trong thực dưỡng, “số 7” giúp cơ thể quân bình âm dương rất nhanh. Chính vì nó quá tuyệt vời như thế nên có nhiều người mắc bẫy nó mà không lối thoát. Sở dĩ họ bị mắc bẫy vì cho rằng “số 7” là thuốc tiên nên cứ ăn hoài cho đến khi cơ thể thiếu chất nên kiệt quệ.

Có thể nói “thực dưỡng số 7” như con dao rất bén nếu không biết dùng thì sẽ bị đứt tay hoặc đứt luôn sinh mạng. Vì vậy, hồi xưa Tiên sinh khuyên chỉ ăn “thực dưỡng số 7” tối đa 10 ngày thôi.

Các nhà thực dưỡng phương Tây không ăn “số 7” vì biết bí mật của Ohsawa

Tui nói thế này để thấy rõ hơn. Tiên sinh đã từng bảo ăn “thực dưỡng số 7” gần giống như tuyệt thực để chữa bệnh. Dựa vào lời dạy này có thể lấy ví dụ nếu người nào ăn “thực dưỡng số 7” suốt 4 tháng thì xem như đã tuyệt thực hơn 3 tháng rồi vậy làm sao mà không kiệt quệ hoặc chết cho được. Nói tóm lại, ăn “số 7” kéo dài là tự sát.

Ăn “số 7” không đúng cách không chỉ nguy hiểm mà còn rất khó ăn đối với nhiều người mới nhập môn. Tui không hiểu nổi tại sao phần lớn những nhà thực dưỡng Việt Nam lại khuyên người mới nhập môn thực dưỡng chọn lựa con đường khó khăn và nguy hiểm như thế.

– Vậy con đường nào dễ đi, thưa ông?

– Nếu một người không bị bệnh nặng mà muốn nhập môn thực dưỡng thì không cần phải làm gì ghê gớm hết. Chỉ cần bỏ thói quen ăn bột ngọt, đường và các đồ ăn công nghiệp rồi ăn gạo lứt thay gạo trắng thì mức độ ngăn ngừa bệnh tật đã giảm 50% rồi.

Nếu ai giảm lượng thịt, ăn cá chừng mực, rau củ hợp lý thì sẽ giảm thêm 10%. Nếu ai bị bệnh khó trị hoặc nan y thì mới đầu phải ăn đúng cách kết hợp dùng trợ phương, một vài tháng bệnh giảm hoặc khỏi rồi thì dần dần ăn rộng ra.

Ăn theo cách của tui nói và ông Tài (lương y Trần Ngọc Tài- PV) hướng dẫn thì tiện lợi đủ đường: Ai cũng có thể ăn được, ăn cả đời cũng không biết ngán, cơ thể thích nghi dần dần nên không bị sốc và người thân, bạn bè không phản đối…

– Thưa ông, 2 vị đại đệ tử của Tiên sinh Ohsawa, các nhà thực dưỡng ở Úc, Mỹ và các nước khác trên thế giới có ăn “số 7” không?

– Không. Hoàn toàn không. Sở dĩ họ không ăn “số 7” là vì họ biết rất rõ về Tiên sinh. Họ bảo rằng lúc còn trẻ, Tiên sinh thường ăn “số 7” để thử nghiệm. Lúc đó ngài thấy rất hay. Nhiều lần ngài làm thế nên càng lớn tuổi cơ thể càng suy kiệt cho nên sau những cuộc diễn thuyết, ngài thường nằm liệt giường. Vì vậy, nên trước khi mất, Tiên sinh quyết tâm nghiên cứu một loại thuốc trường sinh.

Hiểu như thế và nhìn thấy trong thực tế có nhiều người ăn “số 7” không đúng cách đã suy kiệt nên sau khi Tiên sinh mất, toàn bộ đệ tử của ngài họp thống nhất lái “số 7” vào dĩ vãng, nghĩa là không khuyến khích đại chúng ăn “số 7”.

Tuy nhiên, vì nhận thấy “số 7” tuyệt vời quá nên sau này, hầu hết các đệ tử của Tiên sinh mỗi khi tụ họp vẫn cùng nhau nói về nó. Và họ kết luận rằng “số 7” chỉ nên để dành cho những người thật sự hiểu biết nghệ thuật thực dưỡng sử dụng vào việc giúp người bị bệnh khó trị hoặc nan y nhanh quân bình. Nghĩa là người bình thường muốn dùng “số 7”, phải có người hiểu biết về thực dưỡng theo dõi, hướng thật cụ thể.

Còn đối với những nhà thực dưỡng thật sự, các đệ tử của Tiên sinh đều khuyên nên ăn “số 7” để thử nghiệm. Ví dụ như có lần tui làm bộ hỏi 2 vị đại đệ tử rằng: “Thầy ơi đệ tử thỉnh thoảng ăn số 7 được không?”. Cả 2 ngài đều nói: “Bạn dùng “số 7” thì tuyệt vời bởi vì bạn giỏi rồi, nhưng bạn đừng bảo người ta dùng nha”.

– Không ăn “số 7” thì họ ăn như thế nào để cơ thể quân bình, thưa ông?

– Họ ăn thực dưỡng hiện đại. Chủ yếu họ ăn ngũ cốc lứt như: gạo lứt, bún gạo lứt làm từ lúa mì, yến mạch lứt, bánh mì lứt (ăn ít vì là món nướng dễ gây ung thư). Thức ăn phụ họ ăn rất đa dạng: cá con (nếu cá lớn thì nấu đến xương mềm rồi ăn luôn), tép con, thỉnh thoảng ăn thịt gà vì ít độc tố và độ dinh dưỡng cao (hoàn toàn không ăn thịt bò và heo) và ăn nhiều loại rau củ.

– Thưa ông, ngoại hình và sức khỏe của người ăn thực dưỡng ở Úc và Mỹ như thế nào?

– Họ mạnh khỏe, cân đối lắm vì họ ăn thực dưỡng đúng nghĩa như tui vừa nói, trong khi nhiều người ăn dưỡng Việt Nam vừa lạm dụng số 7 vừa ăn khô khan nên người gầy héo.

 

– Nhìn chung thì nghệ thuật thực dưỡng VN và phương Tây giống và khác nhau như thế nào?

– Điểm giống cơ bản là lấy gạo lứt làm thức ăn chính để ăn với thức ăn tự nhiên. Còn điểm khác rõ nét nhất là họ không dùng số 7 như VN và tư tưởng của họ thoáng hơn nên ăn uống rộng mở hơn.

– Không ít nhà thực dưỡng Việt Nam cho rằng, khi đã theo thực dưỡng rồi thì không cần các nền y học khác hỗ trợ. Các nhà thực dưỡng phương Tây có quan niệm như thế không, thưa ông?

– Các nhà thực dưỡng ở Mỹ và Úc không cực đoan nên dẫu họ không dùng thuốc Tây nhưng rất biết tận dụng cái lợi ích của y khoa trong những trường hợp đặc biệt như bệnh nguy kịch cấp thiết hoặc bị chấn thương gãy xương, toác thịt…

Ví dụ như họ bị một vết cắt thiệt sâu và dài thì sẽ đến bác sĩ khâu lại rồi về nhà ăn thực dưỡng sẽ nhanh lành lắm và rất ít đau đớn. Điều này có nghĩa là bác sĩ không làm cho cơ thể người đó lành mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể tự chữa vết thương. Bác sĩ chỉ chữa phần ngọn thôi, cái chính là cơ thể tự chữa.

Ví dụ nữa là những người đang nguy kịch đến tính mạng cần phải chữa ngay như chấn thương sọ não nếu dùng thực dưỡng để quân bình cơ thể thì ít nhứt là phải mất 10 ngày, trong khi bệnh này chậm một vài giờ là chết rồi.

Vì vậy Tây y có nhiệm vụ dùng trụ sinh để giết vi trùng xong, tạm thời dùng thuốc Tây để khỏe lên chút ít rồi mình áp dụng thực dưỡng. Khi thấy khoe khỏe rồi thì từ từ giảm thuốc Tây rồi bỏ hẳn luôn thì rất tốt.
– Có một số nhà thực dưỡng VN đã xem Tiên sinh như một vị thánh. Các nhà thực dưỡng phương Tây có thần thánh hóa Tiên sinh không, thưa ông?

– Không. Họ xem Tiên sinh là một bậc thầy rất đạo đức, rất là giỏi, chứ họ không xem ngài là vị thánh. Vì họ cho rằng, nếu thần thánh hóa ngài thì sẽ sai mục đích. Vì Tiên sinh muốn người đời học nghệ thuật thực dưỡng thôi chứ đâu muốn ai tôn sùng mình. Chính ngài đã từng tuyên bố: Ta mong thế hệ sau phải giỏi hơn ta.

– Ông có thể đánh giá thế nào về những nhà thực dưỡng Việt Nam?

– Tui rất buồn là phần lớn nhà thực dưỡng Việt Nam rất cực đoan, trong khi chỉ có một vài người, đơn cử như ông Tài có cái nhìn toàn diện và am hiểu sâu rộng về thực dưỡng. Có lẽ vì vốn tiếng Anh của các nhà thực dưỡng Việt Nam chưa tốt nên hạn chế về tầm nhìn.

Do chưa có tầm nên các nhà thực dưỡng VN chỉ biết ăn ngũ cốc và rau củ, trong khi các nhà thực dưỡng phương Tây ăn đủ hết. Họ “ăn” ánh nắng, “ăn” không khí trong lành, thường xuyên cho cơ thể “ăn” nước biển, cho nên thường đi tắm nắng, tắm cát, bơi lội…

– Thưa ông, nhà thực dưỡng giỏi phải như thế nào?

– Những nhà thực dưỡng lâu năm mà chỉ quanh quẩn với “số 7”, “số 6”, “số 5” hoặc số nọ số kia là những người vẫn còn ở lớp mẫu giáo. Nhà thực dưỡng giỏi là thường ngày lấy cơm lứt và ngũ cốc lứt làm chính và ăn rau củ thiên nhiên.

Nhưng vì lý do nào đó, ví dụ đi ra xa, vào rừng, ở ngoài biển khơi… thì cái gì cũng ăn nhưng phải biết ăn như thế nào, chế biến làm sao để ăn, ăn vào thời điểm nào, nếu lỡ ăn một bữa quá sai lầm thì xử lý như thế nào…

Tui lấy ví dụ khó tin nhưng có thật thế này. Vì biết tin Tiên sinh Ohsawa đã nhiều lần thử nghiệm ăn uống các món rất độc hại rồi hóa giải thành công, các nhà y khoa Pháp “thách” ngài uống một ly nước có các loại vi trùng rất nguy hiểm là dịch tả, dịch hạch, kiết lị. Ngài không chút e ngại, uống liền rồi ăn “số 7” mà không có mè để “tiêu diệt” vi trùng nên vẫn khỏe mạnh như thường.

Người có kinh nghiệm thực dưỡng còn nhìn nhận âm dương rất linh động. Ví dụ như tui nhận thấy trái chuối rừng rất âm nhưng con khỉ trong rừng ăn rất nhiều chuối mà không sao vì leo trèo nhảy nhót tối ngày nên cơ thể vẫn dương như thường.

– Xin cảm ơn ông!

Thẻ: