Nhà thực dưỡng Lương Trùng Hưng là Việt kiều định cư tại Úc. Từ khi giúp vợ khỏi bệnh bằng thực dưỡng, ông cùng cả gia đình tin tưởng và theo phương pháp này đến nay đã hơn 40 năm.
LTS: Định cư tại Úc, trở thành nhà thực dưỡng toàn cầu, nhưng ông Lương Trùng Hưng vẫn dành cho Việt Nam một sự quan tâm đặc biệt. Từ khi biết Báo TT&ĐS chủ trương theo đuổi mục đích giúp người nghèo chữa bệnh bằng thực dưỡng, ông Lương Trùng Hưng vô cùng cảm kích và tâm đắc. Chuyến về thăm quê hương lần này, mục đích lớn nhất của ông là gặp PV Báo TT&ĐS để gửi gắm những kinh nghiệm thực dưỡng mà ông tích lũy được từ mấy chục năm qua.
Thực dưỡng từ trong bụng mẹ
Ông Lương Trùng Hưng (SN 1949, tại huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ) sinh ra trong một gia đình khấm khá, nên thuở nhỏ ông chỉ biết ăn học. Năm 14 tuổi, ông thấy giới truyền thông đưa tin rầm rộ việc “ông tổ” của phương pháp thực dưỡng là Tiên sinh Ohsawa từ Nhật Bản đến Huế để thuyết pháp. Chẳng bao lâu sau, phong trào thực dưỡng phổ biến khắp miền Nam.
Sau khi lấy bằng tú tài, năm 20 tuổi ông Hưng cưới vợ. Một năm sau ông thi đậu vào trường đại học sư phạm chuyên ngành sử, địa, học được 2 năm thì chiến trường miền Nam diễn biến ác liệt nên Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh “tổng động viên” bắt buộc thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ phải đi lính.
Vì có trình độ, ông được hoãn quân dịch không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng phải dạy bổ túc kiến thức cho cán bộ xã. Vừa lo “việc nước”, ông Hưng vừa làm tròn nghĩa vụ của người đàn ông với “thành tựu” 3 người con lần lượt chào đời.
Năm 1973, vợ ông mang thai lần thứ 4, đến tháng thứ 3 thì bị “hành” đau đớn rất khó chịu. Vốn nhà có xe hơi, ông liền chở vợ lên Sài Gòn tìm đến các bác sĩ phụ sản giỏi nhất thời bấy giờ, trong đó có bác sĩ – Giáo sư Trần Đình Đệ. Các bác sĩ đều kết luận nguyên nhân vợ ông đau đớn là do thai nhi đè buồng trứng sưng lên.
Bác sĩ bảo nếu buồng trứng nhiễm trùng thì uống thuốc kháng sinh sẽ khỏi nhưng đằng này không nhiễm trùng mới khó. Bác sĩ đã chích cho vợ ông không biết bao nhiêu thuốc nhưng không “nhằm nhò gì” nên khuyên bảo ông “chỉ có một cách duy nhất là mổ lấy thai nhi ra để cứu người mẹ”.
Nghĩ bào thai cũng là một sinh mạng mà bỏ thì sẽ ám ảnh suốt đời nên ông chở vợ về quê. Ông lục tìm sách Đông y, Tây y thì nhận thấy tủ sách nhà mình có nhiều sách thực dưỡng của các tác giả Ngô Thành Nhân, Thái Khắc Lễ, Tôn Thất Anh…
Ông Hưng bắt đầu đọc và thấy cuốn nào cũng cho rằng phương pháp Ohsawa “tuyệt diệu, chữa được thân và tâm bệnh”. Ông vẫn “bán tín bán nghi” nhưng vì bà xã đau nhức quá nên quyết định nấu cơm lứt cho vợ ăn thử xem sao.
“Mới đầu vợ tui chỉ nhai một muỗng cơm lứt rồi nuốt thì lập tức bả ói ra và mệt lả người luôn. Tui lật sách ra xem thì thấy sách khuyên nếu ăn vào ói ra cũng đừng có ngại mà đến khi đói nữa thì ăn tiếp, nên khuyên vợ kiên trì. Nghe lời, bả tiếp tục nhai một muỗng cơm nữa, khi nuốt cũng ói ra… Mấy giờ sau, vợ tui tiếp tục nhai một muỗng nữa, lại ói nữa.
Tuy nhiên sáng ngày hôm sau, bả nhai muỗng cơm lứt nuốt thì thấy không ói. Một giờ sau, bà tiếp tục ăn một muỗng nữa thì thấy “êm”. Đến chiều bả tiếp tục ăn 2 hay 3 muỗng gì đó cũng không ói. Tối hôm đó bả thấy giảm đau giảm nhức. Đến ngày thứ 3, kỳ lạ thay, bả không chỉ đi đứng ào ào như không có bệnh gì mà mỗi bữa ăn gần cả chén cơm lứt và đêm đó bả không thấy đau đớn nữa”, ông Hưng cho biết.
Từ đó, vì thấy gạo lứt “vô cùng huyền diệu”, ông Hưng quyết định cho cả nhà ăn gạo lứt với nước tương truyền thống, muối mè, rau củ luộc và xào…. Ăn theo vợ được 10 ngày, ông thấy khỏe hơn rõ rệt, đặc biệt là đầu óc sáng suốt và minh mẫn vô cùng. Trải nghiệm được lợi ích bất ngờ, khiến ông rất phấn khích nên quyết định “thử nghiệm” ăn “số 7”.
Sau một tháng trường kỳ “số 7”, ông thấy cơ thể xanh và yếu dần. Ông nghe lời đồn đại rằng ăn “số 7” càng lâu càng tốt nên ông tiếp tục ăn cho đến 5 tháng. Lúc này, ông đi xe gắn máy hay xe đạp cũng đều bị té vì người ốm yếu trông như “thây ma” và chân run đứng không vững. Ông quyết định “chấm dứt” cuộc “thử nghiệm” rồi “ăn ra”.
“Thấy ăn số 7 lâu ngày quá nhiều vấn đề, tui bỏ thời gian ra đọc lại sách kỹ hơn thì nhận thấy Tiên sinh Ohsawa dạy nếu mình bịnh thì mới đầu ăn số 7 một thời gian rồi ăn số 6, số 5, số 4… nhưng không hiểu sao những nhà thực dưỡng uy tín lúc đó hô hào ăn số 7 càng nhiều ngày càng tốt.
Bây giờ có kinh nghiệm thực dưỡng tui nghĩ rằng vì những người có phần cực đoan như thế nên phong trào thực dưỡng sau đó đã chìm lắng rồi gần như đi vào quên lãng”, ông nói.
Sau 9 tháng 10 ngày ăn theo thực dưỡng có phần “gò bó” (vì chưa thông suốt lý thuyết và trải nghiệm thực tế), vợ ông Hưng “vượt cạn” không chỉ rất dễ dàng mà có điều gì đó khó lý giải.
“Tui không hiểu nổi là tại sao bà xã tui biết trước giờ sanh mặc dù bả thấy không đau đớn gì. Sáng sớm hôm đó, tui đến cửa hàng bán phụ tùng xe hơi ở Cần Thơ do bả quản lý thì nghe bả nói: 11 giờ trưa nay em sanh, anh phân công ai trông coi bán hàng chứ em về bệnh viện Ô Môn sanh cho gần nhà.
Đến 9 giờ 30 hay 10 giờ gì đó, bả đón xe đò từ Cần Thơ về Ô Môn. Lúc 11 giờ, đến trạm xá Ô Môn là bả sanh liền. Bả đẻ mau và dễ như gà vậy và thằng bé cân nặng trung bình. Trong khi 3 đứa trước bả sanh bầm dập lắm, đau bụng mấy ngày mấy đêm rồi mới chịu chui ra”, ông Hưng kể.
Người con út ra đời khỏe mạnh hơn hẳn những anh chị và gần như không “sổ mũi, ho hen” gì khiến ông Hưng và vợ càng tin tưởng vào phương pháp thực dưỡng. Vì vậy, dù bận lái xe hơi đi làm ăn khắp nơi nhưng ông vẫn tìm mọi cách “lấy cơm lứt làm chính”.
Gian nan giữ giới nơi “cấm cung”
Sau đại biến cố năm 1975, tài sản của gia đình Hưng gồm 3 cửa hàng bán phụ tùng xe hơi và máy móc nông – ngư – cơ bị Nhà nước sung vào hợp tác xã. Kinh tế túng quẫn, năm 1978, ông cùng vợ con và 56 người bà con, bạn bè bí mật lên tàu rời Việt Nam.
Con tàu lênh đênh trên biển 6 ngày 5 đêm thì đến 1 hòn đảo của Malaysia. Được 2 tuần thì nhà chức trách đưa gia đình ông đến thủ đô Kuala Lumpur. Tại đây, gia đình ông được Chính phủ Úc tiếp nhận rồi đưa lên phi cơ chở thẳng đến một thành phố phía Đông nước Úc. Gia đình ông được tạm cư trong một căn hộ của một chung cư dành cho người Việt tỵ nạn. Lúc ấy, ông nhận thấy tòa nhà tạm cư chứa hàng ngàn người Việt.
Những ngày đầu tiên, gia đình ông Hưng và nhiều người Việt khác được các nhân viên người Úc thông qua phiên dịch dạy kiến thức cơ bản về lịch sử, cấu trúc xã hội và văn hóa của Úc. Đến bữa ăn thì mọi người vào căng tin ăn thỏa thích nhưng gia đình ông đều rất ngao ngán: “Mấy tay người Úc không biết nấu cơm mà chỉ nấu nước sôi rồi đổ gạo vào luộc rồi vớt ra nên gạo không ra gạo cơm không ra cơm nên ăn không được.
Nếu không nhờ bữa ăn sáng dễ ăn chắc tui kệt sức quá. Buổi sáng người ta cho mình ăn bánh mì và yến mạch rất ngon nên tui ăn một bụng đầy. Tui khoái bữa ăn sáng vì người Úc để yến mạch lứt chứ không chà trắng, và bánh mì cũng làm bằng bột lúa mì lứt nên vừa béo vừa bùi. Hơn nữa thỉnh thoảng người ta cho ăn những loại bánh làm từ cám gạo lúa mì nên cảnh gia đình tui khoái lắm. Như vậy, bữa ăn sáng “vô tình” gần đúng với cách ăn thực dưỡng”.
Thời gian sau, ông nhận thấy trong siêu thị của người Hoa có bán gạo lứt. Thế là ông “lén” lấy tiền phụ cấp đi mua nồi cơm điện và gạo lứt đem về phòng. Mỗi ngày, ông và vợ chờ những người dọn dẹp phòng đi là bắt đầu nấu cơm lứt ăn bữa trưa và tối.
Hơn 5 tháng sau, ông xin chuyển đến thành phố Sydney ở miền Nam nước Úc để thuận tiện cho việc làm ăn và con cái có điều kiện học hành. Gia đình ông vẫn được Chính phủ Úc tiếp tục cấp một căn hộ tạm cư dành cho người di cư Việt Nam. Tại đây, ông vẫn nấu cơm lứt để ăn. 6 tháng sau, đến hạn trả nhà theo quy định, ông và gia đình dọn ra ngoài thuê nhà ở và lúc này ông và vợ xin được việc làm trong một công ty.
Mỗi sáng dậy thật sớm, ông và vợ nấu cơm lứt rồi cho vào cà-men đem đến công ty để ăn. Sau hơn một năm dành dụm vốn, ông và vợ xin nghỉ rồi hành nghề bán sách và thâu băng nhạc. Nhờ làm việc chăm chỉ cộng với “có thời”, chỉ một năm sau, ông đủ vốn mở 7 tiệm chụp ảnh tại thành phố Sydney. Nhờ tiệm nào cũng đông khách nên gia đình ông nhanh chóng khấm khá…
“Sau một thời gian dài sinh sống ở Úc, tui nhận thấy người Úc nói riêng người phương Tây nó chung thường ăn sáng bằng yến mạch lứt hoặc các loại bánh chế biến từ cám lúa mạch. Nói chung mỗi ngày dẫu ít nhiều gì họ cũng có ăn ngũ cốc lứt. Điều này rất quý, có lẽ nhờ đó họ ít bịnh hơn người Việt”, ông Hưng cho biết.
Ông cho biết thêm: “Hột gạo lứt ở Úc rất đặc biệt, nó no tròn, ăn rất tốt, rất ngon và béo, vì nó vì được gieo trồng trên cánh đồng bỏ hoang 3-4 năm. Vì đất người ta rất nhiều nên sau thu hoạch là bỏ hoang và tiếp tục gieo trồng ở cánh đồng bên cạnh, cứ thế họ luân phiên xoay vòng 3-4 năm mới trở lại cánh đồng cũ. Đất nhiều chất dinh dưỡng nên gieo lúa không cần phân, thuốc trừ sâu, tốt cho sức khỏe lắm”.
Xem các chia sẻ chữa bệnh của ông Lương Trùng Hưng ở ĐÂY.
Nguồn: Bài phỏng vấn với báo Tiếp Thị & Gia Đình T6/2016
Thẻ:Lương Trùng Hưng, thực dưỡng
Leave a Comment