Trong một lần đi chùa, chị Dương nghe một nhóm phật tử bàn luận về thực dưỡng, trong đó có người nói: “Nếu ăn gạo lứt muối mè thì bệnh gì cũng khỏi”. Nghe vậy, chị tìm đến vị sư trụ trì ở huyện Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên sau 4 tháng gạo lứt muối mè, bệnh tình của chị còn tệ hơn. May thay, chị đã gặp Lương y Trần Ngọc Tài.
Kiệt quệ sau 3 lần mổ
Chị Dương sinh năm 1981, làm việc tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Năm 2007, chị bị tai nạn khiến đầu gối chân trái bị đứt dây chằng chéo trước phải phẫu thuật nối lại dây chằng. Xuất viện, chị xin nghỉ 6 tháng để điều trị bằng thuốc đặc trị thoái hóa gối. Khi trở lại nơi làm việc, mỗi khi bước đi, chân chị lại nhói đau chịu không nổi.
Vốn là một điều dưỡng viên tại một bệnh viện lớn nên chị Dương có điều kiện trong việc chữa trị cũng như thuốc men. Mặc dù điều trị tích cực nhưng bệnh ngày càng nặng thêm. Uống thuốc gần 2 năm, bác sĩ đề nghị chị Dương phải mổ gối lần 2 để lấy vít ra. Chị Dương tiếp tục uống thuốc đặc trị đắt tiền nhưng đầu gối vẫn đau đớn vô cùng.
“Không ngày nào là tui không uống thuốc, vì ngưng là đau đớn dữ lắm. Nếu đau chịu không nổi lại đi chích thuốc dưỡng khớp, mỗi mũi tốn 1,2 triệu. Chỉ riêng mổ, mỗi lần phải tốn hơn 30 triệu đồng, cho dù tui đã có bảo hiểm rồi đó”, chị kể.
Cơn đau thể xác lâu ngày khiến chị trầm cảm nặng. Càng bi đát hơn, khi đầu gối của chân phải cũng thoái hóa “theo” chân trái. “Tui nặng gần 65kg lận, mà chỉ cao 1m55 thôi. Phần lớn sức nặng cơ thể tui đều dồn hết lên chân phải mỗi khi đi đứng, lâu ngày khiến nó chịu không nổi nên đầu gối thoái hóa luôn”, chị Dương nói về nguyên nhân.
Quá đau đớn, chị Dương lại phải lạm dụng thuốc nặng hơn. Mặc dù tăng liều, tăng tiền điều trị nhưng vẫn rất đau đớn. Sau 4 năm chịu đựng, chị phải phẫu thuật gối lần 3 nhưng vẫn cứ bị đau đớn khiến tinh thần chị bế tắc và bi quan.
Khốn khổ vì thực dưỡng sai phương pháp
Trong một lần đi chùa, chị Dương nghe một nhóm phật tử bàn luận về thực dưỡng, trong đó có người nói: “Nếu ăn gạo lứt muối mè thì bệnh gì cũng khỏi”. Nghe vậy, chị lên mạng internet tìm hiểu và được biết ở huyện Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai có một vị sư trụ trì chuyên “trị bệnh” bằng gạo lứt muối mè. Thế là chị sắp xếp công việc đến gặp vị sư nọ.
Chị được vị sư hướng dẫn, việc đầu tiên là bỏ ngay thuốc Tây, rồi ăn “số 7” tức là chỉ ăn mỗi gạo lứt và muối mè càng lâu càng tốt, kết hợp với các trợ phương: Chiều tối ăn bột sắn dây với nước tương tamari, sáng sớm ngậm dầu mè, tối ngâm mông bằng nước lá cải.
Về nhà chị thực hiện đúng như lời vị sư dặn, được một tuần thì sụt cân 3kg. Lúc này chị thấy người rất nhẹ nhàng và tinh thần thay đổi từ bế tắc sang vui tươi. Vốn là một cô gái “ú”, khi ăn “số 7” được một tháng, thấy mình sụt 10kg nên chị Dương mừng lắm vì bỗng dưng có được vóc dáng hợp lý. Cơ thể chị nhẹ nhàng giảm “tải” cho 2 đầu gối bị thoái hóa, nhờ đó đỡ đau đớn hơn.
Niềm hân hoan chưa lâu thì chị phát hiện mình bỗng nhiên bị táo bón nặng hơn và phân có máu. Thế là chị trở lại Nhơn Trạch để nhờ sự giúp đỡ của vị sư trụ trì. Vị sư còn rất trẻ tuổi đã giảng giải cho chị rằng sở dĩ đi tiêu ra máu vì cơ thể đến thời điểm thải độc. Sau đó, vị sư tiếp tục khuyên chị ăn “số 7”.
Sau 4 tháng ròng ăn “số 7”, chị nhận thấy thần sắc của mình rất xanh xao, cơ thể chỉ còn da bọc xương, nhiều lần đang đi bỗng dưng bị chóng mặt suýt té ngã, thường xuyên bị cảm lạnh kèm với viêm họng và ho, bệnh dạ dày bị trước đó như nặng thêm. Lúc này chị thử cân, lại càng lo sợ hơn khi biết trọng lượng cơ thể mình sụt gần 20kg.
Chị Dương vội gặp vị sư một lần nữa. Vị sư hướng dẫn chị ăn cháo gạo lứt nấu với hạt óc chó hoặc hạt hạnh nhân rồi ăn với texka (được ví như “thịt bò” trong nghệ thuật thực dưỡng – PV). “Ăn như thế suốt 6 tháng với mục đích bồi bổ cơ thể nhưng tui không thấy tăng cân, cũng không giảm cân nữa. Tui cũng không thấy khỏe hơn một chút nào”, chị Dương cho biết.
Lấy lại những gì đã mất
Cuối năm 2014, trong dịp đi làm từ thiện, một người cho chị Dương biết lương y Trần Ngọc Tài có thể khắc phục được tình trạng của chị. Thế là về nhà chị tìm gặp ông Tài. “Khi nghe ổng giảng tui thấy mình ăn thực dưỡng sai bét, để tụt ký quá nhanh và không kiểm soát được, uống nước gạo lứt rang quá nhiều, lại lạm dụng quá nhiều bột sắn dây với nước tương tamari, ngâm mông nước lá cải cũng sai luôn”, chị Dương cho biết.
Chị kể thêm: “Sau khi giảng giải xong, ông Tài đã bắt mạch cho tui. Ổng nhấn chỗ nào tui la đau chỗ đó. Lúc đó tay chân tui ra mồ hôi ướt nhẹp. Ông Tài phán rằng gan tui yếu và thận cũng yếu. Có lẽ do tui ăn “số 7” quá lâu và trước đó uống quá nhiều thuốc Tây nên nội tạng chịu hổng nổi”.
Nghe lời ông Tài, mới đầu chị luân phiên ăn cháo gạo lứt, uống nước xích tiểu đậu với rong phổ tai và mỗi ngày uống 2 viên thực phẩm chức năng Age Reviver. Trợ phương bên ngoài thì đắp cao khoai sọ (Xem câu số 33) ở lưng – vùng thận. “Áp dụng phương pháp của ông Tài chỉ một tuần, người tui thấy khác hẳn. Tui cảm thấy có sức lực trở lại đôi chút nên sáng thứ 7 nào tui cũng đi nghe ông Tài giảng về thực dưỡng”, chị Dương cho biết.
Sau 2 tuần thực hiện theo lời dặn của ông Tài, chị Dương thấy người khỏe hẳn nên thèm ăn cơm lứt. Thế là chị nấu cơm lứt ăn với nước tương miso, tamari và mỗi bữa cơm chỉ ăn một hoặc hai loại rau.
Các loại rau mà ông Tài dặn chị ăn luân phiên là: xà lách son, rau tần ô, rau má, cần tây, rau đắng, diếp quắn, bí đỏ, bí chanh, bông cải xanh, bông cải trắng, bắp cải, cải rổ, cải bó xôi, cà rốt, củ cải trắng,đậu hà lan, su hào, củ sen, ngưu bang, bù ngót, củ hành, ngò rí.
Sau gần một tháng ăn cơm lứt đúng như lời dặn của ông Tài chị cảm thấy người khỏe hẳn. Thấy vậy ông Tài khuyên chị ăn thêm nước súp cá chép, ăn chút ít cá cơm.
“Ăn theo cách của ông Tài được 6 tháng thì bệnh dạ dày của tui bớt, phân “có khuôn và nổi trên mặt nước” – thể hiện cơ thể quân bình nên tui mừng lắm. Chỉ vài tuần sau, tui cảm thấy cơ thể “nảy nở” liền đi cân thử thì thấy tăng cân một ít. 3 tháng sau, tui tăng được 3kg và cảm thấy có sức sống gần như trước khi bị tai nạn”, chị kể.
Hiện nay, sau hơn một năm ăn theo hướng dẫn của ông Tài, chị nặng 50kg, – đây là trọng lượng rất lý tưởng nếu theo góc nhìn của nghệ thuật thực dưỡng. Hiện tại, da chị bóng mịn và hồng hào, vóc dáng cân đối, thần thái tràn đầy sức sống. Mặc dù chị đã 35 tuổi nhưng trông như 25 tuổi. Nếu như huyết áp của chị khi ăn “số 7” thường rất thấp thì nay đã ổn định. Điều đặc biệt nhất là hai đầu gối thoái hóa của chị cũng đã khỏi hẳn.
“Ăn gạo lứt muối mè phải tùy theo cơ địa của từng người”
PV TT&ĐS đã có cuộc trao đổi với nhà thực dưỡng Trần Ngọc Tài về trường hợp của chị Dương.
– PV: Thưa ông, tại sao mới đầu ăn “số 7” chị Dương thấy đau đớn giảm hẳn?
– Ông Trần Ngọc Tài: Vì trong nghệ thuật thực dưỡng, “số 7” làm cho cơ thể quân bình nhanh nhất. Khi cơ thể quân bình thì gần như lập tức nó tự chữa được bệnh. Chính vì thế chị Dương nhận thấy đau đớn giảm hẳn.
– Ông có thể giải thích tại sao chị Dương ăn số 7 khoảng một tháng thì táo bón nặng và đi tiêu ra máu?
– Ăn gạo lứt muối mè (số 7) phải tùy theo cơ địa của từng người mà áp dụng và còn tùy vào tỷ lệ pha trộn giữa mè và muối. Đối với các bệnh “dương” như chị Dương, nếu tỷ lệ pha trộn muối mè không phù hợp, lạm dụng bột sắn dây, uống quá nhiều nước gạo lứt rang và xích tiểu đậu rang (mà không hạ thổ hoặc thủy phi) thì khó tránh được những phản ứng không mong muốn như chị Dương đã kể.
– Thưa ông, nhiều nhà thực dưỡng ở Việt Nam cho rằng, nếu ăn “số 7” càng lâu ngày thì bệnh gì cũng có thể khỏi. Tại sao chị Dương ăn “số 7” càng lâu thì càng suy kiệt và bệnh thì càng nặng thêm?
– Lúc đầu chị Dương ăn “số 7” thì cơ thể lập lại quân bình dễ dàng nên bệnh tật của chị nhanh chóng giảm. Người bệnh thấy kỳ diệu quá nên tiếp tục ăn “số 7” quá lâu nên chất dự trữ trong cơ thể cạn kiệt. Lúc này chính số 7 lại gây nên tình trạng mất quân bình cho cơ thể chị Dương khiến hệ thống miễn dịch suy yếu thì bệnh nặng thêm là lẽ đương nhiên! Để sửa chữa sai lầm này, cần phải hiểu biết và tốn khá nhiều thời gian.
Nguồn: Bài phỏng vấn với báo Tâm Sự Gia Đình.
Thẻ:bệnh khớp, thực dưỡng
Leave a Comment